Doanh nhân tuổi Dần nổi bật trên thương trường

01/02/2022

Hổ là loài vật tượng trưng cho sức mạnh trong tự nhiên và là biểu tượng của sự oai nghiêm, mang tính bảo vệ cuộc sống con người. Những người tuổi Dần cũng có tính cách của những nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, Người Đồng Hành điểm lại những doanh nhân cầm tinh con hổ nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thế hệ doanh nhân Nhâm Dần 1962

Từ trái sang phải:  ông Nguyễn Duy Hưng, ông Bùi Pháp,, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Trung Hà, ông Đỗ Quang Hiển. Ảnh: Bảo Linh

Từ trái sang phải: ông Nguyễn Duy Hưng, ông Bùi Pháp, bà Huỳnh Bích Ngọc (hàng trên), ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Trung Hà, ông Đỗ Quang Hiển (hàng dưới). Ảnh: Bảo Linh

Nổi bật trong số những vị lãnh đạo doanh nghiệp sinh năm 1962 là ông Nguyễn Duy Hưng – nhà sáng lập và Chủ tịch Chứng khoán SSI (HoSE: SSI). Ông Hưng cũng đồng thời là nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn PAN (The PAN Group - HoSE: PAN) - tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm tiên phong trong khu vực...

Doanh nhân sinh ngày 10/9/1962, học luật tại trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Tháng 12/1999, ông Hưng thành lập SSI, cùng năm ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Từ công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và nhỏ nhất, SSI đã phát triển thần tốc, trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam sau hơn hai thập kỷ, với vốn điều lệ gấp hơn 1.600 lần lên mức 9.947 tỷ đồng, tổng tài sản chạm mốc 2 tỷ USD. 

Với những đóng góp trong lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Cuối năm 2020, SSI trở thành đơn vị đầu tiên của ngành chứng khoán được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Hiện doanh nhân đang nắm giữ trực tiếp gần 6,3 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 0,6%) và hơn 1,2 triệu cổ phiếu PAN (tỷ lệ 0,5%). Ngoài ra, ông Hưng còn sở hữu gián tiếp 94,2 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 9,59%) và 23,8 triệu cổ phiếu PAN (tỷ lệ 10,72%) thông qua Công ty Đầu tư NDH.

Một nhân vật nổi tiếng khác sinh năm Nhâm Dần là ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HoSE: SHB). Doanh nhân gốc Thái Bình còn điều hành nhiều định chế tài chính lớn khác như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS), Bảo hiểm SHB – Vinacomin, Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội… 

Trong đó, doanh nghiệp nòng cốt dưới sự điều hành của doanh nhân này chính là Tập đoàn T&T - một công ty hoạt động ở 7 lĩnh vực gồm tài chính và đầu tư; bất động sản; hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics; công thương; khoáng sản, năng lượng; y tế - giáo dục - thể thao.

Lãnh đạo này đang sở hữu trực tiếp gần 68 triệu cổ phần tại Ngân hàng SHB (2,5% vốn) và hơn 593.000 cổ phiếu SHS (0,2% vốn) với tổng giá trị khoảng 1.434 tỷ đồng. Tập đoàn ông Hiển nắm quyền chi phối - T&T- cũng đang có gần 266,7 triệu cổ phần tại Ngân hàng SHB với giá trị hơn 5.867 tỷ đồng. 

Người thân của doanh nhân này cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu SHB như hai con trai Đỗ Vinh Quang (73 triệu đơn vị) và Đỗ Quang Vinh (640.000 đơn vị); hai chị gái Đỗ Thị Thu Hà (50,7 triệu đơn vị) và Đỗ Thị Minh Nguyệt (17,5 triệu đơn vị). Tổng số cổ phiếu ông Hiển và tổ chức, cá nhân liên quan sở hữu đạt hơn 478,5 triệu đơn vị, tương đương 18% vốn Ngân hàng SHB.

Không chỉ nổi tiếng trong giới doanh nhân, ông Hiển còn được biết đến trong giới túc cầu với biệt danh “bầu Hiển” khi sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T).

Một doanh nhân cùng thời cũng đam mê bóng đá là ông Đoàn Nguyên Đức. “Bầu” Đức sinh ngày 6/2/1962 tại tỉnh Bình Định, hiện là Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) và nắm giữ gần 320 triệu cổ phần (35% vốn) tại tập đoàn này. Ngoài ra, ông còn giữ vị trí Phó Chủ tịch Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG). 

Trong những thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp, ông phải bán đi nhiều mảng kinh doanh và tài sản. Song, bóng đá luôn được ông giữ lại, thậm chí còn đầu tư mạnh hơn. Đến nay, bóng đá mới là lĩnh vực có tuổi đời lâu nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. 

Ngoài nổi tiếng với đam mê môn thể thao vua, doanh nhân tuổi Dần này cũng gây chú ý khi trở thành người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu trực thăng riêng vào năm 2008 (Beechcraft King Air 350, giá khoảng 5 triệu USD) như điều ông từng mơ ước. Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã được bán vào năm 2017 cho Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Nữ doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, HoSE: SBT) kiêm Phó Chủ tịch Đầu tư Thành Thành Công (TTC) cũng sinh năm 1962 tại Bến Tre. 

Trong giới kinh doanh, bà Ngọc được biết đến với biệt danh “nữ hoàng mía đường”. Những ngày đầu khởi nghiệp, bà Ngọc cùng chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành rong ruổi ngược xuôi các tỉnh miền Tây Nam Bộ để thu mua mật rỉ về nấu cồn. Giai đoạn ông Đặng Văn Thành xây dựng Sacombank lớn mạnh, bà Ngọc chính là người đã điều hành mảng mía đường của TTC. Hiện nữ Chủ tịch TTC Sugar đang sở hữu trực tiếp 69,7 triệu cổ phiếu SBT (tỷ lệ 10,5%); các cá nhân và tổ chức liên quan nắm giữ hơn 270 triệu đơn vị, tương đương hơn 40% cổ phần.

Cũng say mê thể thao, ông “bầu” Bùi Pháp - Chủ tịch Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) được biết đến là người đầu tiên sở hữu hai đội bóng chuyền Việt Nam. Doanh nhân gốc Bình Định này đang sở hữu hơn 74 triệu cổ phiếu DLG (tỷ lệ 25%) và 24 triệu cổ phần tại Tập đoàn Alpha Seven (HNX: DL1).

Một số lãnh đạo cũng sinh năm Nhâm Dần khác còn có ông Nguyễn Trung Hà. Ông xuất thân từ Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga) với chuyên ngành toán học và là người đầu tiên tại Việt Nam hai lần đạt giải nhất trong khóa luận nghiên cứu khoa học của trường này.

Năm 2007, ông Hà thành lập Chứng khoán Thiên Việt (HoSE: TVS) và giữ chức Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay. Hiện lãnh đạo đang nắm giữ hơn 29,3 triệu cổ phiếu TVS, tương đương gần 27,4% vốn.

Trước đó tại năm 1988, doanh nhân này là một trong những thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT (HoSE: FPT), cũng như hoạch định chiến lược cho FPT trong nhiều năm. Ông Hà còn là thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) và tham gia nhiều lĩnh vực khác như truyền thông, bất động sản, xây dựng…

Mô tả về ông Hà, nguyên Phó Chủ tịch FPT Lê Quang Tiến từng viết trong sử ký 10 năm FPT (1998) rằng “Hà “Bờm”cũng là một tay nghiện thuốc lá nặng, có biệt tài uống rượu như nước lã và hầu như không say. Anh có năng khiếu bẩm sinh về bài bạc và tài chính”, “có tài xem tướng và tử vi, cộng thêm cách nói nhát gừng, thâm thuý nên quanh luôn có một lớp khói đầy vẻ bí hiểm bao phủ”. Ngoài ra, ông Tiến cũng nhận xét ông Hà “có khả năng nhận xét con người khá chính xác, óc nhận xét tinh tế và cái lưỡi rất nhọn nên được bạn bè tôn trọng và quý mến”.

Một số doanh nhân khác là Chủ tịch Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1) – ông Trịnh Văn Tuấn; Phó Chủ tịch Hòa Phát (HoSE: HPG) - ông Nguyễn Mạnh Tuấn.

Thế hệ doanh nhân Giáp Dần 1974

Từ trái sang phải: bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Bùi Pháp, ông Nguyễn Duy Hưng, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Trung Hà, ông Đỗ Quang Hiển. Ảnh: Bảo Linh

Từ trái sang phải: ông Nguyễn Đỗ Lăng, bà Lê Thị Thu Thủy, ông Nguyễn Bảo Hoàng (hàng trên), bà Chu Thị Thanh Hà, ông Lê Vĩnh Sơn (hàng dưới). Ảnh: Bảo Linh

Các doanh nhân nổi bật trên sàn chứng khoán thế hệ Giáp Dần 1974 có thể kể đến hai nữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) là bà Phạm Thúy Hằng và bà Lê Thị Thu Thủy.

Bà Phạm Thúy Hằng sinh ngày 10/9/1974 tại Hà Nội. Năm 1993, bà cùng chị gái Phạm Thu Hương, anh rể Phạm Nhật Vượng và các cộng sư cùng nhau sáng lập Tập đoàn Technocom – tiền thân của Vingroup - tại thành phố Kharkov (Ukraina). Hiện bà nắm giữ 113,5 triệu cổ phiếu VIC với giá trị ước đạt 10.800 tỷ đồng, theo đó là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nếu như Phó Chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương gần đây xuất hiện trong buổi lễ trao giải thưởng VinFuture thì bà Hằng chưa từng xuất hiện trên truyền thông.

Nữ tướng khác của Vingroup là bà Lê Thị Thu Thuỷ cũng sinh năm 1974. Doanh nhân gốc Bình Định tốt nghiệp cử nhân Kinh tế của trường Đại học Ngoại Thương, có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trrường Đại học Quốc tế Nhật Bản. Bên cạnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch Vingroup, bà Thủy cũng mới được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.

Vào những năm 1996-1998, bà Thủy làm việc tại chương trình tín dụng của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, rồi giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Singapore từ năm 2000 đến 2008. Sau đó, bà gia nhập Vingroup với vai trò Giám đốc Tài chính, rồi đảm nhiệm Tổng giám đốc Vingroup. Bà Thủy thường đảm nhiệm phát triển các mảng kinh doanh mới của Vingroup như thương mại điện tử hay sản xuất điện thoại, tivi...

Một nữ doanh nhân sinh năm Giáp Dần khác là bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Software kiêm Thành viên HĐQT FPT Telecom (UPCoM: FOX). Bà gia nhập FPT từ năm 1995 với vai trò là trợ lý của CEO Trương Gia Bình và trở thành  Chủ tịch HĐQT FPT Telecom từ năm 2012. Cũng trong năm này, bà Hà được nhận bằng khen của Thủ tướng về sự nghiệp internet tại Việt Nam. Đến năm 2017, bà được tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2020, nữ doanh nhân nhận nhiệm vụ công tác mới là Chủ tịch FPT Software còn ông Hoàng Nam Tiến sẽ giữ chức vụ Chủ tịch của FPT Telecom.

Một số lãnh đạo cũng sinh năm Giáp Dần là ông Nguyễn Đỗ Lăng - nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Doanh nhân người Bắc Ninh đồng thời là Thành viên HĐQT Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) và Tổng Giám đốc Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS).

Ông Lăng hiện sở hữu gần 11 triệu đơn vị APS (tỷ lệ 13%) và 7,5 triệu cổ phần (tỷ lệ 19,6%) tại Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (APEC Investment, HNX: API).

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) kiêm Chủ tịch Năng lượng Sơn Hà (HNX: SHE), sinh ngày 21/9/1974 tại Hà Nội. Ông Sơn tốt nghiệp Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện doanh nhân này là cổ đông lớn nhất tại Quốc tế Sơn Hà với hơn 16 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,69%), tương ứng hơn 280 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Sơn còn là Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016 – 2021 và hiện đang là Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, với hàng loạt thương vụ đầu tư vào các startup như VNG, Vật giá, VCCorp... 

Trước khi gia nhập quỹ, ông từng là cộng sự của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại New York, trường Đại học Y khoa Harvard và Bệnh viện Northwestern Memorial; thành viên sáng lập S2S Medical Publishing; Giám đốc Nhượng quyền phát triển của Tập đoàn McDonald’s tại Việt Nam…

Ông tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh Đại học Harvard, Tiến sĩ Y khoa trường Đại học Northwestern và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của trường Kellogg School of Management, Mỹ.

Ở lĩnh vực ngân hàng cũng có nhiều doanh nhân sinh năm 1974 như ông Trần Minh Bình - Chủ tịch VietinBank, ông Từ Tiến Phát - người vừa được bổ nhiện Tổng giám đốc ACB hay Cựu Tổng giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải...

Theo NDH